Thị trường Chè Việt Nam: Trong nước ổn định, xuất khẩu đáng lo 

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng về diện tích và thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Thế nhưng, hiện tổng doanh thu của toàn ngành chè chỉ đạt khoảng 552 triệu USD trong năm 2020, trong đó xuất khẩu chè chỉ đem về 217,7 triệu USD, quá thấp nếu đem so sánh với nhiều loại nông sản khác như cà phê, tiêu, điều, cao su,…

Thị trường trong nước

Nhu cầu tiêu thụ chè trong nước đã tăng đáng kể trong những năm qua. Theo đó, thị trường tiêu thụ chè trong nước phần lớn là chè xanh ngược lại với thị trường xuất khẩu chủ yếu là chè đen. 

Sự phát triển của ngành du lịch và ngành công nghiệp thức uống, cùng với việc người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe và lối sống lành mạnh, đã thúc đẩy tiêu thụ chè. Ngoài ra, xu hướng tiêu thụ các loại chè cao cấp và chè hữu cơ cũng đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, chè không đơn thuần chỉ dùng uống hằng ngày, mà còn được người tiêu dùng ưa thích dùng làm quà biếu, tặng. 

Trong những năm gần đây, ngoài người trung niên và lớn tuổi, sản lượng tiêu thụ chè của giới trẻ cũng đang có xu hướng tăng. Cùng với đó, họ có sự đòi hỏi cao hơn về tính tiện lợi, nhanh chóng và đẹp mắt. Những thị hiếu này đã tạo nên chỗ đứng cho loại chè hòa tan, chè túi nhúng,…

Giá trong nước cao gấp ba xuất khẩu

Theo báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam, Tổng giá trị sản phẩm chè năm 2022 ước tính 12.600 tỷ đồng, tương đương với 552 triệu USD. Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng – tương đương với 325 triệu USD.

Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu. Tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn, do tiêu thụ trong nước chủ yếu là các loại chè đặc sản đóng gói. Trong khi giá xuất khẩu chè bình quân của nước ta chỉ đạt 1,65 USD/kg, thì khả năng tiêu thụ chè trong nước ở mức ổn định là 45.000 tấn với giá bán ra thị trường bình quân là 150.000 đồng/kg. Những sản phẩm trà đặc sản có thương hiệu, đạt được giá bán rất cao, từ 200.000 đến 1 triệu đồng/kg.

Nhu cầu tiêu thụ chè trong nước ngày càng tăng
Nhu cầu tiêu thụ chè trong nước ngày càng tăng

Tình hình xuất khẩu chè hiện nay

Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ba thị trường xuất khẩu chè lớn của Việt Nam là Pakistan, Đài Loan và Nga. Đứng đầu danh sách nhiều năm liền vẫn là Pakistan, đây là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của nước ta. Đứng vị trí thứ 2 là Đài Loan và tiếp đến là Nga. Ngoài ra, nước ta còn xuất khẩu chè sang các thị trường khác như Đức, Saudi Arabia, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ,… 

Xuất khẩu chè của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đạt 21,3 nghìn tấn, trị giá 35,2 triệu USD, giảm 7,1% về lượng và giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 3/2023 đạt 7,7 nghìn tấn, trị giá 12,6 triệu USD, giảm 5,3% về lượng và giảm 5,7% về trị giá so với tháng 3/2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 3/2023 đạt 1.624,7 USD/tấn, giảm 0,4% so với tháng 3/2022.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu chè đạt 21,3 nghìn tấn, trị giá 35,2 triệu USD, giảm 7,1% về lượng và giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.651,4 USD/tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, chè xuất khẩu tới thị trường Pa-ki-xtan đạt 7,6 nghìn tấn, trị giá 13,4 triệu USD, tăng 3% về lượng và tăng 0,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng xuất khẩu tới Pa-ki-xtan chiếm 35,6% tổng lượng chè xuất khẩu.

Cũng trong 3 tháng đầu năm 2023, chè xuất khẩu tới thị trường Đài Loan đạt 2,5 nghìn tấn, trị giá 4 triệu USD, giảm 15,5% về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu tới thị trường Nga đạt 2 nghìn tấn, trị giá 3,2 triệu USD, giảm 8,6% về lượng và giảm 16,9% về trị giá; xuất khẩu tới In-đô-nê-xi-a đạt 1,4 nghìn tấn, trị giá 1,5 triệu USD, giảm 29,6% về lượng và giảm 26,6% về trị giá.

Đáng chú ý, chè xuất khẩu tới thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, Ả rập Xê Út tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023. Trong đó, xuất khẩu chè tới thị trường Trung Quốc đạt 735 tấn, trị giá 2,2 triệu USD, tăng 154,3% về lượng và tăng 430,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá chè bình quân xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 2.930,4 USD/tấn, tăng 108,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Xem thêm: Cách xây dựng kênh TikTok triệu Follow đơn giản dành cho cá nhân và doanh nghiệp

Tiềm năng về thị trường Chè đặc sản

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), tính đến năm 2021 Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với diện tích lên đến 130 nghìn ha, đạt năng suất trung bình 8 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt 192 nghìn tấn/năm.

Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn phải kể đến như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha).

Thống kê tại Việt Nam có đến 170 giống chè các loại, trong đó có một số giống mang hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng. Tổng doanh thu của ngành chè năm 2020 đạt 552 triệu USD, trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 315 triệu USD, xuất khẩu chính ngạch khoảng 220 triệu USD và xuất khẩu tiểu ngạch đạt 17 triệu USD.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực song hoạt động sản xuất và xuất khẩu chè của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. 

Theo đó, về cơ bản sản xuất chè của Việt Nam vẫn là sản xuất nông hộ nhỏ, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Ðiều này khiến cho chất lượng sản phẩm chè của nước ta không đồng đều và gặp khó khăn trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất chè Việt Nam còn hạn chế. Chè có tưới mới chỉ chiếm lượng nhỏ khoảng 7% diện tích đất trồng chè cả nước cho nên chưa phát huy được tiềm năng của các giống chè mới (chiếm đến 54% diện tích cả nước).

Bên cạnh đó, khâu chế biến, tiêu thụ chè hiện cũng tồn tại các bất cập. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vẫn còn khiêm tốn.

Quan trọng hơn nữa, việc xây dựng thương hiệu của ngành chè chưa thật sự tốt, bao bì, hình thức bên ngoài chưa thật sự chú trọng, chưa thể hiện được hết giá trị của sản phẩm.

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản lớn để chè Việt Nam tiếp cận được các thị trường cao cấp tiềm năng. 

Hơn nữa, diện tích đất trồng chè ở nước ta ngày càng bị thu hẹp, giảm dần vì người dân sử dụng đất chè để trồng các cây công nghiệp khác có lợi nhuận cao hơn. Việc bảo tồn gìn giữ các giống chè Việt Nam quý hiếm vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ.

Cần chú trọng đầu tư vào bao bì trà
Cần chú trọng đầu tư vào bao bì trà

Trước những hạn chế bất cập trên, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững, thời gian tới ngành chè cần triển khai đồng bộ một số giải pháp:

– Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè Việt Nam thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam. Đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến bằng công nghệ tiên tiến.

– Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến. Cơ cấu lại tỷ lệ chè đen và chè xanh một cách hợp lý để đảm bảo đáp ứng cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

– Duy trì và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu vào các thị trường chủ lực; Hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu đến thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, EU, Mỹ…

– Thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

– Các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần chủ động thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Đầu tư các công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm. 

– Cần tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân trồng chè và thực hành sản xuất chè bền vững sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo Chương trình quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng (IPM, ICM). Đảm bảo quy hoạch vùng sản xuất, ngoài định dạng độ cao cho từng vùng, miền để xác định giống chè phải gắn với các cơ sở chế biến và phân vùng nguyên liệu chè.

Có thể thấy, thị trường chè trong nước vẫn đang giữ được sự ổn định tuy nhiên tình hình xuất khẩu đang không như kỳ vọng. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng phát triển thương hiệu, tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới để đẩy mạnh xuất khẩu.

Để nhận được sự tư vấn về mặt Thương hiệu, truyền thông, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đặc sản Chè có thể liên hệ với MGO để được hỗ trợ miễn phí : 

  • Hotline: 033.321.7777
  • Email: mgodotvn@gmail.vn
  • Website: www.mgo.vn

(Bài viết có tham khảo nguồn từ báo Nhân Dân và Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư)